Chi tiết cách ghi nhật ký thi công đầy đủ và chuẩn chỉnh nhất
Bất kỳ công trình xây dựng nào đều nên có riêng một bản nhật ký thi công hằng ngày. Đây không chỉ là công cụ hữu ích giúp theo dõi và bám sát tiến độ thi công mà còn là bản ghi chi tiết giúp rà soát các công đoạn và quá trình mỗi khi có sự cố xảy ra. Để có một cách ghi nhật ký thi công đầy đủ và chi tiết nhất thì chắc chắn bạn không nên bỏ qua bài viết này của kientrucvn.
1. Nhật ký thi công và tác dụng to lớn
Nhật ký thi công thường gắn liền với một công trình xây dựng. Nó là bản ghi chi tiết các thông tin xây dựng do người thực hiện công việc giám sát công trình lập nên. Có thể ví nhật ký thi công như một bản lý lịch đầy đủ mô tả các bước chế tạo nên một sản phẩm hoàn chỉnh.
Tất cả các sự kiện, sự việc diễn ra trong quá trình thi công xây dựng đều được nêu rõ trong nhật ký giúp nhà thầu và ban giám sát xác định được rõ trách nhiệm của cá nhân hoặc nhóm trong từng sự việc. Nó cần có yếu tố chân thực, bám sát thời gian, dễ hiểu để bất kỳ một người có chuyên môn nào đang làm việc trong dự án đều có thể đọc được.
Các thông số về điều kiện làm việc tại nơi thi công công trình cũng được nhật ký ghi chép lại, tình trạng an toàn nơi làm việc cũng như tình trạng nhân công, nguyên vật liệu cũng được nêu đầy đủ.
Điều quan trọng nhất là nhật ký thi công có thể giúp chỉ ra được nguyên nhân mà sự việc xảy ra, giúp đơn vị thi công khắc phục được sự cố nếu có một cách nhanh nhất.
2. Các mục cần có trong nhật ký thi công
Nhật ký thi công công trình cần được đóng thành quyển với số trang rõ ràng, các trang đều phải được đóng dấu giáp lai đầy đủ trước khi sử dụng để ghi chép. Người phụ trách ghi chép (thường là người giám sát và kỹ sư thi công) phải ký tên trên bản ghi của mỗi ngày.
Trang bìa của quyển nhật ký sẽ bao gồm những thông tin sau:
- Tên sổ: Nhật ký thi công
- Số hiệu: Tập nhật ký số
- Tên đầy đủ dự án công trình thi công
- Tên hạng mục thi công mà sổ nhật ký ghi chép
- Tên của gói thầu thi công
- Tên đầy đủ của đơn vị chủ đầu tư
- Địa điểm thi công hạng mục
- Tên đầy đủ đơn vị tư vấn giám sát
- Tên đầy đủ đơn vị thiết kế
- Tên đầy đủ của đơn vị nhà thầu thi công
- Tên đầy đủ của người thực hiện giám sát công trình và người giám sát tác giả ghi nhật ký
- Tên đầy đủ của cán bộ kỹ thuật (người ghi nhật ký)
- Thời gian ghi chép của sổ nhật ký: từ ngày – tháng – năm cho đến ngày – tháng –năm
Nội dung cụ thể bên trong nhật ký được để cập trong khoản 3 điều 10 của Thông tư số 26/2016/TT-BXD gồm những đầu mục như sau:
- Các diễn biến xảy ra cũng như các điều kiện thi công tại công trình
- Số lượng cụ thể về nhân lực và các thiết bị đo đạc mà nhà thầu thi công sử dụng
- Các đầu mục công việc được nghiệm thu trong ngày
- Miêu tả rõ ràng và cụ thể những sự cố hoặc tai nạn lao động xảy ra trong ngày, đồng thời đề cập đến các sự việc phát sinh cũng như cách xử lý hoặc cải thiện nếu có.
- Các kiến nghị của hai bên nhà thầu thi công và tư vấn giám sát công trình nếu có
3. Những lưu ý chung khi thực hiện nhật ký thi công
Tất cả các thông tin trên cần được ghi chép một cách trung thực và khách quan. Nó phải phản ánh một cách đầy đủ và chính xác nhất những sự việc diễn ra thực tế trong quá trình thi công. Công việc ghi chép cũng phải được thực hiện đều đặn, không ngắt quãng, bám sát tiến độ thi công thực tế.
Bất kỳ hình thức sửa chữa thông tin (gạch, xóa) trong sổ nhật ký đều phải có chú thích rõ ràng về người thực hiện, lý do, thời gian sửa chữa thông tin.
Thời đại thông tin 4.0 cũng chứng kiến sự ra đời của nhiều mẫu nhật ký thi công số. Tuy nhiên khi sử dụng hình thức nhật ký này, cần thiết lập một quy trình bảo mật an toàn, không cho phép sửa chữa, xóa file ghi v.v…. Sau khi lưu mỗi file ghi vào hệ thống, cần có một bản sao được gửi vào email đồng thời cần in ra một bản cứng để đóng thành sổ dự phòng an toàn.
Nhiều mẫu nhật ký cũng có sẵn trên internet, tuy nhiên rất nhiều đơn vị muốn có một cuốn sổ nhật ký phù hợp nhất với dự án có những đặc điểm riêng nên họ đã tự xây dựng cho mình một mẫu nhật ký riêng. Mẫu này thường được làm ra thông qua một cuộc thảo luận giữa các cán bộ giám sát công trình để cùng thống nhất và đưa ra những đầu mục cần thiết.
Những bảng mẫu làm sẵn chỉ việc điền vào cũng là hình thức rất phổ biến của các mẫu nhật ký thi công hiện nay, điều này giúp cho người ghi chép tiết kiệm được công sức và thời gian.
Ngoài ra tùy vào đặc điểm và tình hình cụ thể của từng công trình thi công mà sổ nhật ký sẽ có những đầu mục phù hợp khác. Tuy nhiên, về cơ bản cách thành lập, ghi chép nhật ký thi công đều sẽ tuân thủ theo các lưu ý trên. Hy vọng những thông tin mà bài viết này mang lại sẽ giúp ích cho các bạn một phần nào đó trong quá trình ghi nhật ký thi công tại công trình của mình.
Xem thêm: